Lượt xem: 1240

Xuân Hòa - Một thời máu lửa

Thật sự, khi viết về vùng quê Xuân Hòa tôi cứ trăn trở không biết phải bắt đầu từ đâu, viết sao cho thật xứng tầm với vùng đất anh hùng này, bởi nơi đây đã chịu đựng nhiều đau thương, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ khốc liệt. Vùng đất Xuân Hòa anh hùng, người dân Xuân Hòa kiên trung đã tạo nên những trang sử vẻ vang trong tiến trình thành, phát triển trong quá khứ, hiện tại và đang vững bước tiến tới tương lai...

    Tôi đến Xuân Hòa, huyện Kế Sách để cảm nhận hơi thở của cuộc sống mới, những đổi thay mang tính đột phá của vùng đất này, nên tôi không có ý định viết nhiều về lịch sử hình thành, về truyền thống đấu tranh cách mạng rất khốc liệt của vùng đất anh dũng kiên cường này. Bởi vì trong một bài viết nhỏ này tôi không thể liệt kê hết những mốc son, những giai đoạn lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của Xuân Hòa. Nhưng về Xuân Hòa mà không đề cập đến những gì mà người dân Xuân Hòa đã trãi qua trong tiến trình lịch sử hào hùng ấy thì sẽ có lỗi với những bậc tiền nhân đã khuất và những nhân chứng một thời sống chết với vùng đất này.


Đường giao thông nông thôn Xuân Hòa.

    Theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, làng Xuân Hòa được chính thức có tên trong đơn vị hành chánh tỉnh Sóc Trăng theo Nghị định được ban hành vào ngày 01-01-1900, thuộc tổng Định Khánh - tên gọi đầu tiên của huyện Kế Sách. Cũng như những vùng đất khác, vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, Xuân Hòa vẫn là vùng đất hoang hóa, những lưu dân đầu tiên đặt chân đến vùng đất này đa phần là cư dân có tư tưởng phóng khoáng không chịu được sự hà khắc, bóc lột của quan lại phong kiến, họ mong muốn có một cuộc sống tự do, tự tại. Chính những điều đó đã hun đúc cho người dân Xuân Hòa một lối sống thủy chung, khảng khái, nghĩa khí, quật cường... Cũng chính những tính cách ấy đã làm nên một Xuân Hòa kiên trung, quật cường trong tiến trình đấu tranh cách mạng sau này. Tôi chợt nhớ những cụ cao niên trên vùng đất này đã từng kể lại chuyện ông Đạo Đây - một nghĩa quân Cần Vương về nương náo tại vùng đất này đã đánh chết tên cặp rằn và làm bị thương nhiều tên tay sai khác khi chúng kéo đến vơ vét sạch số lúa gạo của gia đình ông và của nhiều bà con chòm xóm. Tiếp theo đó là những tá điền cùng khổ như Tư Ân (Trần Văn Ân) cùng các lực điền trong xóm, tổ chức đánh dằn mặt tên tay sai chủ điền hà hiếp dân lành. Rồi những mẩu chuyện cướp của địa chủ chia cho dân nghèo của các lực điền Dương Văn Ngự, Nguyễn Văn Phái, Tư Phải... sớm trở thành giai thoại lịch sử của một thời u ám trên mảnh đất này.

    Có lẽ chính những giai thoại mang tính lịch sử ấy, đã giúp người dân Xuân Hòa sớm kế thừa truyền thống bất khuất đó và hiên ngang bước vào con đường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với tất cả lòng nhiệt huyết của mình. Để góp sức đưa Xuân Hòa hòa nhập nhanh vào phong trào đấu tranh huyện Kế Sách, những bậc tiền bối cách mạng như đồng chí Quản Trọng Hoàng, Nguyễn Trung Tỉnh, Tư Thơ, Ba Biện, Hai Dinh... không quản ngày đêm, không ngại gian nguy ra sức vận động gây dựng phong trào cách mạng tại địa phương và xúc tiến thành lập chi bộ đầu tiên của huyện nhà: Chi bộ An Lạc Thôn (tháng 6/1935). Chi bộ Đảng được thành lập đã tạo nên động lực thúc đẩy phong trào cách mạng của vùng 3 xã: An Lạc Thôn - Xuân Hòa và Ba Trinh ngày càng phát triển và cũng là cái gai trong mắt của chính quyền thực dân, mà chúng quyết tâm nhổ bỏ bằng bất cứ giá nào. Địch càng điên cuồng đánh phá, người dân vùng 3 xã nói chung, Xuân Hòa nói riêng cũng kiên cường chống trả với tất cả dũng khí của mình. Chính nơi đây là điểm xuất phát của lực lượng nồng cốt trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vào tháng 11/1940, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 là những móc son chói ngời khí thế tiến công của người dân Xuân Hòa và cũng chính là tiền đề để Xuân Hòa tách ra thành lập chi bộ mới vào tháng 6/1946.

    Phải nói rằng, sự ra đời của Chi bộ Xuân Hòa là một tất yếu của lịch sử, là kết quả của một quá trình vận động và đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc của những người nông dân nghèo khổ. Chính sự trưởng thành đó đã tạo cho Xuân Hòa có những bước tiến vững chắc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. 9 năm chống Pháp, 21 năm đánh Mỹ, dân quân Xuân Hòa đã tổ chức bao nhiêu cuộc chống càn? Bao nhiêu cuộc công đồn - đả viện? Bao nhiêu tấn bom đạn trút xuống? Bao nhiêu cuộc đấu tranh chính trị trực diện trước họng súng của kẻ thù? Bao nhiêu cuộc chống càn ác liệt? Bao nhiêu cuộc bao vây bứt rút đồn bót địch?... Không ai có thể thống kê hết được mà chỉ biết rằng, qua 2 cuộc chiến ở trên mảnh đất kiên trung này đã có 333 người con kiên trung Xuân Hòa đã vĩnh viễn nằm xuống, 124 thương binh, trên 40 gia đình là cơ sở nuôi chứa cán bộ. Một điều đặc biệt mà tôi không thể bỏ qua khi đề cập đến đất nước và con người Xuân Hòa, đó là trên vùng đất kiên trung này đã vinh dự đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, dân quân du kích xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách” và danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân” trong thời kỳ chống Mỹ cho 2 đồng chí Nguyễn Văn Khoa - nguyên Huyện đội Trưởng Huyện đội Kế Sách và liệt sĩ Đặng Văn Hùng - nguyên Tỉnh đội Phó Tỉnh đội Sóc Trăng đã hy sinh vào ngày 05-9-1972. Đó là một vinh dự rất lớn cho Đảng bộ xã Xuân Hòa - một vùng đất kiên trung, anh dũng.

Thiên Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 8302
  • Trong tuần: 79,009
  • Tất cả: 11,802,329